Có bao nhiêu chất liệu bao bì đựng mỹ phẩm?
Chai lọ có rất nhiều hình dáng khác nhau, phù hợp cho nhiều dòng mỹ phẩm và được chia ra thành các loại phổ biến sau đây như tuýp, chai chân không, chai phun sương, chai vòi nhấn, hũ đựng,… Dưới đây là 6 chất liệu bao bì đựng mỹ phẩm được dùng nhiều trong ngành sản xuất, in ấn.
Thị trường chai lọ đa dạng từ xuất xứ, mẫu mã, chất liệu, tương xứng với sự phát triển mạnh mẽ của các dòng mỹ phẩm làm đẹp. Nếu khi xưa chai đựng sữa rửa mặt chỉ vỏn vẹn với dạng tuýp quen thuộc thì ngày nay để tiện lợi và tăng trải nghiệm cho người dùng, các loại chai được thiết kế thêm vòi tạo bọt hay gắn cọ massage sẵn. Đồng thời chất liệu cũng được thay đổi để bao bì trở nên cứng cáp và sang trọng, màu sắc phong phú hơn cho khách hàng lựa chọn.
1. Poly(methyl methacrylate) (Nhựa Acrylic)
Đây là loại nhựa cao cấp được sử dụng trong các dòng mỹ phẩm đắt tiền bởi vẻ ngoài sang trọng, chất liệu tốt, bền đẹp theo thời gian.
Ưu điểm:
– Acrylic sở hữu vẻ ngoài bóng mịn, nền nhựa chắc chắn, chống trầy xước, khó bị vỡ khi bị tác động vật lý, là lựa chọn thay thế cho thủy tinh với chất liệu nhẹ hơn.
– Màu sắc là điểm mạnh của Acrylic khi sở hữu tới 36 loại màu sắc khác nhau từ đơn sắc một màu cho đến vân gỗ, giả kim loại,…
– Acrylic có đặc tính mềm dẻo, dễ dàng đun nóng biến đổi từ dạng rắn sang lỏng (ở nhiệt độ 160°C), làm nguội và đun nóng lại mà không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng. Nhờ vậy mà Acrylic có thể tạo nhiều kiểu dáng khác nhau và sản xuất số lượng lớn trong thời gian ngắn, đáp ứng nhu cầu đa dạng trên thị trường.
Nhược điểm:
– Acrylic rất dễ bị nứt nếu tiếp xúc trực tiếp với mỹ phẩm. Vì thế, nhà sản xuất chai lọ thường dùng chất liệu nhựa PE, PS để làm chén đựng mỹ phẩm bên trong.
– Chất lượng Acrylic tốt, mẫu mã đẹp, có thể sơn trong, sơn ngoài, xi, mạ đều được nên giá thành tương đối cao.
Ứng dụng: Nhựa Acrylic dùng trong lĩnh vực sản xuất bao bì đựng kem dưỡng da mặt, kem mắt,..
2. Polystyrene (Nhựa PS)
Nhựa PS mang đặc tính khá giống với Acrylic nhưng có giá rẻ hơn vì thế chúng là sự lựa chọn tiết kiệm cho những ai có dự tính hay đang kinh doanh dòng mỹ phẩm từ trung cấp đến cao cấp.
Ưu điểm:
– Chất liệu cứng, nhẹ hơn Acrylic, trong suốt, không màu, không mùi, hình thức đẹp, dễ gia công và tạo màu.
– Nhựa PS có thể tiếp xúc trực tiếp với mỹ phẩm mà không bị nứt vỡ như Acrylic.
– Giá thấp hơn nhựa Acrylic.
Nhược điểm:
– Có độ bóng kém và ít sang trọng hơn so với nhựa Acrylic.
– Giá cao hơn các loại PE, PP, PET.
Ứng dụng: Nhựa PS dùng để sản xuất chai lọ đựng mặt nạ, kem dưỡng da mặt, kem mắt, serum, kem chống nắng…
3. Polyethylene terephthalate (Nhựa PET)
Nhựa PET là vật liệu thông dụng được dùng rất nhiều trong các vật dụng đời sống hằng ngày và chai lọ mỹ phẩm nhờ lợi thế giá rẻ.
Ưu điểm:
– Chai lọ PET có màu trong suốt, độ bền cao, khá an toàn, không chịu tác động bởi các tác nhân vật lý và môi trường làm biến chất sản phẩm.
– Nhựa PET rất nhẹ vì thế nếu có xảy ra sự cố rơi rớt, hư hỏng, chúng cũng không gây ra tổn thương nghiêm trọng.
– Giá thành rẻ so với các loại nhựa khác.
Nhược điểm:
– Chịu nhiệt không tốt.
– Vì nhựa PET quá nhẹ nên chỉ dùng phổ biến trong các loại sản phẩm như sữa rửa mặt, kem chống nắng, thuốc bôi thông thường. Nếu bạn muốn tạo điểm nhấn và sang trọng cho sản phẩm thì nên ưu tiên các dòng nhựa Acrylic, PS, PP.
Ứng dụng: Chai nhựa PET dùng để chứa các loại dầu và nước tẩy trang, sữa rửa mặt, toner (nước hoa hồng, cân bằng độ ẩm), kem chống nắng, sữa tắm…
4. High-density polyethylene (Nhựa HDPE)
HDPE hay còn gọi là nhựa PE tỷ trọng cao, thường dùng để sản xuất nắp chai, tuýp mỹ phẩm. HDPE có bề mặt bóng láng, mềm dẻo và chịu nhiệt tốt hơn PET.
Ưu điểm:
– Độ bền cao, ngăn cản được tác động của ánh nắng mặt trời cũng như điều kiện khắc nghiệt của môi trường.
– Đảm bảo mỹ phẩm đựng trong nhựa HDPE giữ chất lượng sản phẩm tốt.
– Có thể tái sử dụng nhiều lần.
Nhược điểm:
– Dễ thấm màu và hút mùi, nên tách riêng nhựa HDPE với các loại vật liệu khác để tránh làm hư hỏng vỏ ngoài lẫn mỹ phẩm bên trong.
Ứng dụng: Nhựa HDPE dùng nhiều nhất trong sản xuất chai đựng tẩy tế bào chết, sữa rửa mặt, sản phẩm chống nắng, mặt nạ,….
5. Polypropylene (Nhựa PP)
Nhựa PP cứng, không mềm dẻo như PE. Với đặc tính an toàn, nhựa PP đang được sử dụng rộng rãi trong việc sản xuất các chai lọ đựng mỹ phẩm.
Ưu điểm:
– Vỏ ngoài chắc chắn, trong suốt, độ bóng bề mặt cao cho khả năng in ấn rõ nét.
– Chịu nhiệt tốt hơn 100°C, khó bị bóp méo.
– Chống được độ ẩm, chất nhờn, hơi nước và các khí khác nên chất lượng mỹ phẩm đựng trong nhựa PP bền theo thời gian.
– Dễ dàng tái sử dụng nhiều lần.
Nhược điểm:
– Có thể bị hư khi có vết cắt hay lỗ thủng nhỏ.
Ứng dụng: Nhựa PP dùng nhiều để đựng kem dưỡng da mặt, kem dưỡng body, tẩy tế bào chết, mặt nạ, kem chống nắng,..
6. Thủy tinh
Thủy tinh có vẻ ngoài trong suốt, sáng bóng giúp tôn lên các đặc điểm và giá trị của mỹ phẩm bên trong.
Ưu điểm:
– Thủy tinh có độ bền hóa học cao, không bị biến chất khi tiếp xúc với mỹ phẩm.
– Bề mặt trơn láng, mẫu mã đa dạng, dễ dàng in ấn và thiết kế.
– Có khả năng tái chế, thân thiện với môi trường.
Nhược điểm:
– Dễ bị nứt, vỡ khi làm rơi chai lọ.
– Trọng lượng thủy tinh khá nặng, chi phí vận chuyển cao, khó bảo quản.
Ứng dụng: Chai thủy tinh ứng dụng nhiều nhất trong lĩnh vực sản xuất bao bì mỹ phẩm có kích thước nhỏ như serum, mặt nạ, kem face, dầu dưỡng…
Nguồn: Sưu tầm