Thông thường, mụn xuất hiện nhiều ở lứa tuổi từ 13 – dưới 30. Mụn là kết quả của nhiều yếu tố tác động lẫn nhau gây nên. Khi cơ thể tiết quá nhiều chất nhờn và lỗ chân lông bị bít kín sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở, gây viêm nhiễm dẫn đến hình thành mụn .
Mụn trên da luôn là nỗi ám ảnh của mỗi chúng ta. Mụn không những làm giảm thẩm mỹ của khuôn mặt, gây thiếu sự tự tin mà còn gây sưng đau, tạo cảm giác vô cùng khó chịu. Tình trạng mụn có thể xuất hiện ở nhiều bộ phận trên cơ thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Vậy chúng ta hãy cùng nhau giải mã: Nguyên nhân gây ra mụn? Biết được nguyên nhân, chúng ta mới có thể có hướng điều trị đúng đắn nhất.
- Nội tiết tố (hormone): Sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ kinh nguyệt, giai đoạn mang thai và mãn kinh, làm hoạt động của các tuyến dầu bị thay đổi. Điều đó dẫn đến sự bùng phát bã nhờn. Từ đó sẽ dẫn đến hiện tượng tắc lỗ chân lông, viêm đỏ, và sinh mụn.
- Thức khuya: Việc thức khuya sẽ khiến quá trình tái tạo bị ngăn cản và làn da không có thời gian phục hồi. Nếu bạn thức khuya quá 10h, bạn sẽ bỏ lỡ khung giờ vàng để gan đào thải chất độc. Thức khuya, cơ thể sẽ mệt mỏi, cơ chế tự bảo vệ trong cơ thể sẽ kích thích một lượng lớn chất cortisol để cân bằng lại tâm sinh lý. Cortisol tác động lên cơ thể làm tăng tốc độ oxy hóa các acid béo tự do ở các tế bào nhằm tạo ra năng lượng cho cơ thể đồng thời khiến tuyến bã nhờn phát triển. Cortisol khiến mặt tiết ra một lượng dầu lớn, là căn nguyên của các vấn đề về mụn.
- Chế độ dinh dưỡng: Ăn đồ ngọt, đồ ăn nhiều dầu mỡ, nước có ga, đồ uống chứa nhiều đường sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao, cơ thể tăng tiết insulin. Quá nhiều insulin trong máu có thể khiến các tuyến dầu của bạn sản xuất nhiều dầu hơn, làm tăng nguy cơ bị mụn.
- Dậy thì: Ở giai đoạn dậy thì, sự thay đổi đột ngột (thể chất, tâm sinh lý…) của cơ thể và sự hoạt động mạnh mẽ của hormone giới tính khiến bã nhờn tiết ra quá mức, gặp bụi bẩn và vi khuẩn propionibacterium acnes (một loại vi khuẩn gây mụn thường trú trên da) sẽ gây bít tắc lỗ chân lông và sinh nhân mụn.
- Di truyền: Nếu cha mẹ của bạn bị mụn trứng cá, khả năng cao là bạn cũng sẽ gặp tình trạng tương tự. Tuy nhiên, di truyền và thay đổi hormone không phải là nguyên nhân duy nhất gây mụn.
- Khẩu trang: Việc đeo khẩu trang gây mụn là hoàn toàn có thể xảy ra. Nguyên nhân là do khi đeo khẩu trang nhiều quá, làn da mặt vốn đã nhạy cảm lại bị “bí thở”, mồ hôi không thể thoát ra lỗ chân lông một cách dễ dàng được, vì vậy da dễ bị nhiễm khuẩn và sinh mụn. Chưa kể, khẩu trang không được vệ sinh thường xuyên cũng gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho làn da
- Mang thai: Nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc phụ nữ mang thai bị mụn (kể cả trước đó những phụ nữ này chưa bao giờ bị) là do thay đổi nội tiết tố (chủ yếu là ba tháng đầu của thai kỳ). Nồng độ các nội tiết tố tăng lên càng cao thì da của thai phụ tiết ra càng nhiều sebum (là một chất dầu, chất nhờn tự nhiên của da), là môi trường để vi khuẩn gây mụn sinh sôi nảy nở, gây ra mụn.
- Lạm dụng mỹ phẩm: Dùng mỹ phẩm không hợp với làn da, không rửa mặt sạch trước khi dùng mỹ phẩm, đi ngủ khi chưa tẩy trang, dùng mỹ phẩm hết hạn sử dụng… làm da bị dị ứng, bị ngứa ngáy, sinh mụn.
- Stress: Khi stress kéo dài, hệ thần kinh bị tác động làm rối loạn nội tiết tố, tăng tiết mồ hôi, làm tăng hoạt động của tuyến bã nhờn, làm da dễ bị nổi mụn hơn và làm nặng hơn tình trạng mụn đang có sẵn.
- Môi trường: Môi trường ô nhiễm chứa đầy bụi bẩn và các hạt siêu nhỏ trong không khí. Chúng có kích thước khá nhỏ, có kích thức từ 2.5 microns tới 10 microns. Trong khi lỗ chân lông của bạn đến 50 – 70 microns do đó các chất bẩn dễ dàng hấp thụ vào lỗ chân lông, gây ra tình trạng bít tắc và dẫn đến mụn.
Trên đây là một số thông tin về nguyên nhân gây ra mụn. Ngoài các nguyên nhân không thể thay đổi được như liên quan đến nội tiết thì với các nguyên nhân khác chúng ta có thể thay đổi. Hy vọng bài viết này sẽ mang lại cho các bạn những thông tin hữu ích để có thể học cách thay đổi, chăm sóc da bị mụn. Chúc các bạn luôn có một làn da khỏe mạnh!